* Hội Ngộ – 2014

Đệ Nhị Kim Ngưu

Khoá 14 SĩQuan HảiQuân NhaTrang

Họp Mặt 2014 tại Nam California 

unnamed

unnamed

1964 – 2014:  50 Năm Hội Ngộ – Kỹ Niệm Khó Phai Mờ

 

Thời gian thắm thoát trôi qua, mà hình ảnh họp khóa 50 năm vào biển của KN2, vẫn còn phảng phất đâu đây, những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm khảm. – Ngày 4 July 2014, ngày lễ Độc lập của nước Mỹ, cũng là ngày tiếng gọi họp đàn của Ngưu Vàng 14, kỷ niệm 50 mươi năm vào biển, ngày mà những chàng trai trẻ ở khắp nơi miền Nam Việt Nam, từ giã mái nhà trường, đi làm bổn phận của người trai bảo vệ tổ quốc. Những hình ảnh tại quân trường TTHL/HQ/NT ngày nào, hiện ra trong tâm trí, thôi thúc tôi, thực hiện một cuộc hành trình dài, từ “Vùng Miệt Dưới” Nam Bán Cầu đến các vùng Bắc Mỹ. Từ Los Angeles qua Houston, Austin, Orlando (Florida), Toronto Canada, trở lại LA họp khóa, rồi trở về Sydney. Một chuyến đi, đôi ba việc, vừa gặp các bạn cùng khóa, vừa gặp các bạn trong tù cải tạo ngày nào, và gặp lại người thân ruột thịt đã 40 năm chưa gặp mặt.

3 ngày đầu tại Los Angeles:

Chiều thứ bảy 30/06/2014 máy bay từ Sydney đáp xuống phi trường Los Angeles. Sáng chúa nhật 31/05/2014 lúc 11giờ sáng, các KN2 tại Nam Cali có nhã ý tổ chức họp mặt, đón chào Ngưu tôi từ phương xa đến. Anh Nguyễn Văn Hồng, Gia Trưởng KN2 tại Nam Cali phone mời tôi đến tham dự.

Đúng 11am, người cháu chở tôi đến chổ hẹn. Tôi không ngờ khi thấy nhiều người đang đứng chờ sẵn trước trước cửa tiệm Diamond Seafood Palace. Những hình ảnh quen thuộc ngày nào hiện ra trước mắt.Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Biết bao câu muốn hỏi, biết bao lời muốn nói, những ánh mắt hân hoan và nụ cười tươi tắn trên môi, như đã đủ thay lời, vui mừng đón chào Ngưu lạc, nay trở về họp đàn…

Cho dù thời gian có trôi qua, năm tháng tuy có làm con người cằn cổi, già hơn, nhưng những nét quen thuộc ngày nào cũng không thay đổi nhiều. Những người bạn xa xưa, tuy trước đây không tiếp xúc nhiều, nhưng có lẽ thời gian hai tháng huấn nhục, các cuộc di hành, cùng nhau chia sẻ, chịu đựng gian khổ gần hai năm trong quân trường, đã làm cho chúng ta gần nhau hơn, xem nhau như những người thân trong đại gia đình.

Anh Trần Văn Căn, hối thúc mọi người sắp xếp vào vị trí để chụp hình lưu niệm. Sau đó tất cả đi vào trong, sắp xếp ngồi vào một bàn dài, hơn hai mươi người.

Rất cảm động khi thấy nhiều chị, phu nhân của các anh, cũng đang ngồi chờ. Tôi đi đến chào và cám ơn các chị đã có lòng đến tham dự buối tiệc. Các Ngưu Nam Cali quả thật rất kết hợp và có lòng. Các anh chị đã không quản ngại đường sá xa xôi, thời giờ qúy báu để chào đón Ngưu ở phương xa đến, người mà quý chị trước nay chưa từng gặp mặt.

TV Căn vẫn nhanh nhẹn như ngày nào. Anh đến giúp tôi gợi nhớ lại từng tên các bạn cũ. Anh vui vẻ hỏi tôi biết người nầy, còn nhớ tên người kia không..v..v.. Vui quá, làm tôi cũng “tía lia”, nhắc lại tên từng người. Nào Nguyễn Thành Danh, Nguyễn Tâm Hàn, Lâm Thành Lực, Trương Minh Hòang, Nguyễn minh Tú, Nguyễn MỹBùi Văn Sang, Trần Quốc Cường. Chỉ có Ngô Trọng Hùng, Tống Khắc Tuấn(đeo kính đen) là không nhận ra. Riêng Đoàn Trọng Hiệp, thấy nét quen quen, nhưng không nhớ tên. Đến khi được nhắc là họ Đòan là tôi nhớ đến tên anh ngay.

Sự sốt sắng xông xáo của TV Căn, làm tôi nhớ lại tài năng của người CHT GĐ 60TT tại Thuận An một thời. Anh đã khéo léo, điều hợp nhịp nhàng các chiến đỉnh của đơn vị, mang theo cả gia đình, di tản từ Thuận An đến Đà Nẵng, một cách hiệu quả và an toàn.

Nổi bật hơn cả, trong số các bạn tham dự hôm nay, là anh mặc áo nâu sòng Lâm Thành Lực, người ở cùng phòng với tôi và NM Tú trong quân trường TTHL/HQ/NT. Chàng trai tài hoa ngày nào, với cây đàn guitar và nụ cười hồn nhiên trên môi, đã làm cả phòng rộn rả vui tươi, quên cả nhớ nhà và thời gian học tập mệt nhọc. Giờ đây anh đã chọn hướng đi mới cho cuộc đời còn lại, để cho thân tâm được an lạc. Xin chúc anh vạn sự đươc cát tường.

Đang trò chuỵên thì mọi người hướng ra cửa để đón chào Phạm Mạnh Đề. Anh được chị dìu vào trong. Anh là người mà trong chuyến đi nầy, tôi dự trù đến thăm. Bây giờ ngược lại, anh đền thăm tôi trong tình trạng sức khỏe chưa được hồi phục lại hòan toàn. Sự có mặt của anh quả thật làm tôi bất ngờ và cảm động. Cám ơn anh chị nhiều.

Tôi được xếp ngồi giữa hai người bạn nổi tiếng trong khóa. Ngồi bên trái của tôi là Trương Minh Hoàng, con người bình dị, hiền lành và học giỏi nhất khóa. Anh là Thủ Khoa khóa Đệ Nhị Kim Ngưu 14, một thời là Chỉ Huy Trưởng GĐ64TT, từng họat động tại vùng sôi động Tuyên Nhơn Mộc Hóa. Cùng họat động với anh ở vùng nầy là người bạn tài hoa quá cố Lê Anh Tuấn, CHT GĐ43NC. Anh Lê Anh Tuấn đã hy sinh đền nợ nước tại đầu Kinh Thủ Thừa trong giờ thứ 25 của cuộc chiến, để lại bao tiếc thương cho bạn bè và mọi người…

Ngồi bên phải của tôi là Phạm Mạnh Đề, vóc dáng vẫn bệ vệ như xua, vẫn đẹp trai như thuở nào. Nụ cười đầy tự tin trên môi, tôi nghĩ có lẽ là yếu tố tinh thần, giúp anh vượt qua mọi khó khăn gặp phải trong cuộc đời. Người CHT GĐ40NC mà các đơn vị bạn, từ Kinh Chợ Gạo đến Tân Trụ – từ Gò Dầu Hạ xuống Long An, đều biết tiếng. Những trận đánh khốc liệt, kinh hồn, để hổ trợ cho các đơn vị bạn, ngăn chận các đơn vị VC tiến vào thủ đô Sàigòn trong thời gian đầu năm 1975, mà mạng sống như chỉ mành treo chuông, cũng đã chưa khuất phục được anh. Vì vậy, với ý chí kiên cường sẵn có, chắc chắn anh sẽ nhanh chóng bình phục lại hoàn toàn.

Nếu như Phạm Mạnh Đề tung hoành tại hai con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, thì Nguyễn Tâm Hàn đang ngồi ở giữa dãy bàn, được biết là người “chuyên về hành quân đêm”?. – Hành quân về đêm thì tuyệt đối phải giữ bí mật, và rất…hồi hộp.

Dấn thân vào vùng đất địch, là đem thân đi vào chổ hiểm nguy. Không những phải chấp nhận sự hy sinh, phải tự nguyện, phải gan dạ, và phải ứng biến thật nhanh nhẹn. Cuộc đời hải hồ ngang dọc, đầy khí phách, hiên ngang, một thời của Nguyễn Tâm Hàn là như vậy.

Sáng ngày hôm sau, cũng anh Gia Trưởng NV Hồng, TV Căn cùng với Trần Minh Thuận, dẫn đi ăn phở. Anh Trần Văn Căn đến tận nhà đón, còn tặng cho một mũ lưỡi trai hoa lá cành mới tinh, làm cho tôi nhớ lại thuở xưa một thời.  Sau đó tất cả kéo tới nhà NT Hàn, uống trà nghe nhạc, kể lại chuyện củ xa xưa thật thú vị. Đến chiều thì Đoàn Trọng Hiệp, Bùi Văn Sang, cũng gia nhập đến chơi. Bùi văn Sang cũng như xưa, lúc nào cũng có nhiều chuyện tiếu lâm, kể vui như tết, làm không khí càng thêm nhộn nhịp vui vẻ. Các bạn ở Nam Cali rất hòa hợp, thật sốt sắng và đầy nhiệt tình.

Ngưu tầm Ngưu và Người Hiền:

Đến Toronto tôi không liên lạc được với Nguyễn Đức Quang, vì số điện thoại đã cũ. Tình cờ tham dự Ngày Quân Lực 19/06/2014 tại Toronto, tôi gặp Mạc Công Hiếu K17 đang là Trưởng GĐHQ tại đây. Hiếu cùng với tôi ở tại HQ10 khi tôi làm Hạm Phó, và Hạm Trưởng là Vũ Nhân, trong một chuyến công tác tại Đà Nẵng, V1ZH vào năm 1969.  Sau chuyến công tác nầy, tôi được thuyên chuyển đến HQ 09, do NT Hòang Thế Tháí, sau đó là NT Trần Đức Cử làm Hạm Trưởng. Hiếu cho tôi số phone mới của Quang.

Hôm sau tôi gọi Quang, dường như anh cũng đang chờ đợi sẵn. Chỉ 15 phút sau là anh tìm đường đến nhà chú em tôi liền. Hai Trâu già nhìn nhau vui mừng không nói nên lời, cọ quẹt đôi sừng, tạo dáng, để có những tấm hình kỷ niệm cho xứng với … tuổi già.

Gặp lúc chú em chuẩn bị ăn sáng, tôi mời anh, anh cũng không khách sáo chối từ. Anh chẩm rải từ tốn nói ít, còn tôi thì … kiệm lời ngồi nghe. Anh “khoe”, anh mang máy trợ tim, còn tôi “show” đầu gối thay bằng sắt và những vết thương ở hai chân, dấu vết của trận bị phục kích bằng B40 tại Tắc Ông Kèo sông Đồng Tranh, thuộc Đặc Khu Rừng Sát, khi tôi làm CHT GĐ 22XP tại Nhà Bè vào giữa năm 1974. Anh kể tôi nghe những câu chuyện xa xưa, cùng với Ninh Duy Định trong trại tù cải tạo ở miền Nam, và sinh họat cùng với Nguyễn Văn Đơ khi anh mới qua Canada. Còn tôi kể lại những chuyện tù ngoài Bắc, câu chuyện vượt biên và sinh con gái đầu lòng tại trại tỵ nạn Mã Lai.

Trong quân trường, tôi và Quang chỉ biết mặt nhớ tên, chưa có dịp cùng nhau hàn huyên tâm sự, thế mà bây giờ sao cảm thấy gần gủi, thân thiết quá. Tôi nghĩ có lẽ, chúng tôi có cùng chung truyền thống, dòng máu KN2, nên khi có dịp gặp lại là … dễ hòa hợp.

Quang có cách nói đơn giản và lối diễn đạt thẳng thắng. Tôi nhận thấy anh là một trong những “Người Hiền” trong khóa. Để so sánh, tôi hỏi: Giữa anh và Trần Minh Thuận, ai hiền hơn?. Anh trả lời ngay. “Tôi hiền hơn”! Quả là thẳng thắng và đầy tự tin. – Tôi nhớ lại người bạn già Phùng Học Thông ở xứ Kangaroo. Anh cũng hiền, ăn trường chay đã mười mấy năm nay. Có lẽ thân tâm anh được an lạc, cho nên bây giờ anh trở nên phương phi, tốt tướng. Anh có trí nhớ rất tốt, thuộc nhiều kinh sách Phật giáo và có thể giảng suốt vài giờ không biết mệt. Nhiều người gọi anh là “Thầy Thông”, anh cũng hoan hỉ, không giận phiền. – Tôi tiếp tục hỏi Quang: Vậy thì, anh và Thầy Thông, ai hiền hơn? Quang cũng trả lời “Tôi hiền hơn”. Thật là qúa tự tin!  Hết ý!. – Tôi bèn hỏi ngược lại: Trong khóa KN2, ai hiền hơn anh?  Quang trả lời ngay, không cần suy nghĩ: “Nguyễn Mỹ”.

Như vậy KN2 của chúng ta còn có nhiều “Người Hiền” mà tôi chưa đươc biết.

Ba Ngưu Nhạc Sĩ:   

Từ Toronto trở lại Los Angeles, tôi được Cụ Tú ra đón tại phi trường vào lúc nửa đêm. Sau khi ăn sáng, Cụ Tú chở tôi đến nhà NV Hồng để chờ “check in hotel” vào buổi chiều. Tôi gặp Trần Minh Tuệ đang ở tại đây.

Trần Minh Tuệ  đàn tặng tôi và NV Hồng nghe một bản nhạc, anh cho là tâm ý nhất, khi anh còn ở trong ngục tù CS.

Vốn liếng âm nhạc của tôi chỉ là căn bản Đồ, Rê, Mi., khi còn ở trung học. Còn trình độ thưởng thức, thì cũng giống như đa số mọi người khác.

Anh vặn, chỉnh lại dây đàn, những ngón tay thoăn thắt, vuốt tới vuốt lui, say sưa đàn… Tôi nhìn thấy hoa mắt, nên quay đi chỗ khác để lắng nghe. – Tôi nghe thấy, ở dòng nhạc chính có giai điệu nhạc quen thuộc của miền sơn cước, ai nghe qua cũng nhận biết,  hòa cùng với tiếng nhịp chập chùng (tiếng bass), như tiếng trống cơm, thường được sử dụng trong các điệu nhảy dân tộc. Những “cái phủi, cái hất” của các ngón tay, sau mỗi đọan nhạc, không biết có phải anh muốn tạo ra âm thanh của cây đàn Harp (đàn nhiều dây), hay như âm thanh của gót chân người sơn nữ dẫm xuống đất, làm văng những hạt cát, rơi lên những lá khô, nghe xạt xào.?!. – Rất tiếc, tiếng rít do tiếng vuốt của ngón tay gây ra, vì đây không phải “cây đàn ruột” của anh, làm ngăn trở những âm thanh cao, như những tiếng sáo trúc, hoặc tiếng miếng tre gỏ nhịp, mà anh muốn đưa ra cho người nghe? Không biết có phải như vậy không??.

Anh hứa, sau khi dợt nhuần nhuyễn cùng với “cây đàn ruột”, anh sẽ đưa lên facebook.

Hy vọng, qua tài nghệ điêu luyện của anh, chúng ta sẽ được anh cho nghe một khúc nhạc giao hưởng tuyệt vời.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Lý  và  Nhạc Sĩ Nguyễn Tâm Hàn… trong một chuyện tình:

Tôi may mắn được hai nhạc sĩ tặng DVD và 5 CDs nhạc.

Đối với những chàng trai Hải Quân, cuộc sống lênh đênh trên sóng nước mênh mông, ngày đêm dọc ngang, ngang dọc, tuần tiểu bảo vệ lãnh hải và lãnh thổ. Thân bất do kỷ, cho nên thường lỗi hẹn với người yêu đang dõi mắt trông chờ. Đến khi trở về bến thì người yêu đã sang ngang. Tâm tư của người lính biển nầy ra sao, hãy lắng nghe sự diễn đạt của hai chàng nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Thiện Lý:  Với dòng nhạc êm đềm, trau chuốt như dòng đời của anh, anh đã diễn đạt nỗi đau khổ xót xa của người bị tình phụ, qua tác phẩm “Mưa Bên Kia Sông”.

                      “Trắng tay ngỡ ngàng chiều thu tím – áo vàng nàng bước sang ngang”

Tuy “mưa bên kia sông”, không biết có làm ướt chân người ra đi hay không, nhưng cũng đã làm thấm ướt trong lòng người ở lại, — xót xa một mình:

                      “Xa cách nhau lần cuối, hoàng hôn trong mưa rơi, tóc bay mây trời,

                                                                       Nào ai biết có người còn mãi đơn côi”

Lời nhạc vừa lả lướt, thêm vào giọng ca ngọt ngào, nức nở của ca sĩ Ngọc Diễm ở Boston (DVD Tạ Ơn Đời của Thiện Lý), làm cho người nghe càng cảm thấy đớn đau, buồn hơn.

Nhạc sĩ Thiện Lý đã sáng tác bản nhạc “Mưa Bên Kia Sông” khi còn rất trẻ, diển đạt tâm tư thật sự của con người bị tình phụ, ai cũng vậy. Bản nhạc “Mưa Bên Kia Sông” cũng đã được ca sĩ nổi tiếng Lệ Thu trình bày và được nhiều người đón nhận.

 

Tuy nhiên:

Người lính biển (Nguyễn Tâm Hàn), sau khi tâm bình, lắng đọng, tự an ủi, nhận thấy tình yêu chân thật phải là: sự hy sinh, dâng hiến, bảo bọc cho nhau. – Người lính biển, nay hai vai vẫn còn gánh nặng sơn hà, và cuộc đời ngày mai chưa biết sẽ ra sao? sẽ đi về đâu? Không biết có thực hiện đươc những lời hứa ban đầu với người yêu hay không?

                    “Dòng đời đầy giông tố – nào biết bao nhiêu đổi thay”   (NTH)

    Cho dù:

             “Mới hôm nào đường tình ta có nhau- bỗng một chiều dòng đời chia đôi ngã”

    Hay   “Dấu yêu, ngày nào đâu dễ quên — cho dù nay cách ngăn đôi đường”(NTH)

Người lính biển chấp nhận sự hy sinh vì người. Đã không buồn giận, trách than, mà còn an ủi, vổ về, để những “hạt mưa bên kia sông” không còn làm ướt bước chân người đi, mà còn để cho người yêu ra đi trong sự an lòng:

               “Thế thôi còn buồn chi nữa em – những lời yêu thiết tha dịu dàng” (NTH)

Người lính biển, chỉ giữ lại những tình cảm êm đẹp nhất, được trân quý, chôn kín trong đáy lòng:

              “Dáng xưa còn nằm trong đáy tim – tháng ngày trôi ấp ôm tình em” (NTH)

Nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn diễn đạt tâm tư của người lính biển nầy qua bản nhạc “Cũng May

                          “Cũng may mà mình không lấy nhau – nên tình yêu vẫn như ban đầu”

                                     “Cũng may đường đời hai lối đi – nên còn ôm ấp câu hẹn thề”

         Hay

                              “Lối xưa chiều nào trong nắng tan-vẫn còn đây mãi theo thời gian”

Với sự suy nghĩ khoáng đạt, bình thản chấp nhận hy sinh, nên giai điệu nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn cũng êm ả nhẹ nhàng, lời nhạc như kể lể, vổ về, hợp cùng với giọng ca trầm ấm của ca sĩ Thụy Long, làm người nghe cảm thấy thoải mái, vui tươi, như đã giải quyết xong một nan đề. Chỉ giữ lại trong lòng những gì đẹp nhất, như là một “kỷ niệm”, một “chân lý sống” trong cuộc đời. – Để sau nầy khi có dịp:

                                                   “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

                                                    Xếp tàn y lại để dành hương”      (Tự Đức)

(Muốn nghe bản nhạc“Cũng May”, thì vào cái link của NTH, kéo hết xuống phía dưới)

Anh cũng chia sẻ ý nghĩ nầy, upload những hình ảnh xa xưa, post qua email: “ngày nào một giấc mơ”, hay “trong đó có ta”; – để nếu có ai đó muốn “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”, thì cứ “tick cái link nầy” sẽ thấy và nhớ lại những kỷ niệm, đẹp đẽ, vui tươi, hào hùng, trong những năm vào biển, như Phạm Mạnh Đề, Lê Văn Minh một thời. Biết đâu, đó cũng là phương thuốc khích lệ tinh thần, giúp các anh ấy sớm bình phục:

Một tâm hồn lạc quan sẽ giúp chữa khỏi bệnh tật nhanh chóng.

Những lời nhận xét “không chuỵên nghiệp” ở phần trên, chỉ để thay “lời cám ơn vụng về” của tôi, đối với tình cảm của ba Ngưu Nhạc Sĩ đã dành cho tôi. Nếu có gì không đúng, xin hỉ xả bỏ qua. Thành thật cám ơn.

Thầy – Trò:

Ngày tiền họp khóa, các Ngưu ở xa cùng nhau đến thăm Thầy Ích. Đến nơi mới biết Thầy được đưa đến căn nhà khác ở gần đó, để chuẩn bị đón tiếp học trò.

Khoảng giữa trưa các trò tề tựu trước nhà Thầy. Khi được biết các trò đã đến, người nhà đở Thầy đến ngồi sẵn trên ghế (arm chair), đặt sát tường, gần chỗ lối ra vào. Sát vách phía bên trái chỗ Thầy ngồi là một cây đàn Piano upright, bên trên có vài trophy, chứng tỏ chủ nhân là tay cầm thủ (pianist) có hạng. Phía bên phải là khỏang không gian rộng rãi hơn, có vài tam cấp đi xuống, có chỗ trống chính giữa, chung quanh trang hoàng thanh nhã lịch sự, một chỗ lý tưởng cho một buổi hòa nhạc thính phòng nhỏ.

Tuần tự từng người đến trình diện, vấn an thầy, xem thầy có nhận ra mình hay không, sau đó bước tới, xếp thành vòng cung, đứng quanh thầy. Một, hai người đến xưng tên, thầy vẫn lặng thinh, không trả lời. – Có tiếng nói phía sau: “Cứ hỏi đi, thầy nghe biết hết đó!”  Vài người khác nữa đến chào, thầy vẫn im lặng. Cho đến phiên Già Cường thì thầy nói: “An Cường”. Thì ra là như vậy!. Không phải thầy không biết, không nhớ, mà tại các trò không đến vấn an, không gặp thầy thường xuyên, hơn nữa thầy có nhiều học trò, có nhiều trò gần 50 năm không gặp, làm sao thầy nhớ hết! – Sau đó thầy được người nhà dìu vào trong để cùng ngồi chung bàn với các trò. Những bình trà thơm nóng được đưa ra. Lợi dụng lúc ngồi kế bên thầy, tôi thử “test” lại trí nhớ của thầy. Tôi hỏi thầy: Khi ở trại tù Long Giao, Trương Công Hảithường đến hỏi thầy về toán, thầy còn nhớ không? – Như một làn gió thu mềm mại, thầy chẩm rải nói “Hải.. giỏi.. toán”.  Như vậy trí nhớ của thầy vẩn còn rất tốt, vẫn nhận biết rõ ràng, chỉ có phản ứng chưa được nhanh nhẹn như bình thường thôi.

Với thức ăn dành riêng cho người bệnh, Thầy ăn uống ngon miệng. Người nhà nói, lẽ ra cử ăn của thầy là lúc 10giờ sáng. Hôm nay thầy nhất định không chịu ăn, chỉ chờ khi các trò đến, rồi mới cùng ngồi ăn chung. – Nghe thật cảm động.

Những tô bún tỏa mùi thơm ngát được chuyền ra, tiếp theo là những đĩa nho ửng màu tím, màu xanh, căng tròn ngọt lịm, như tấm lòng của thầy cô dành cho các học trò cũ.

Tuy sức khỏe chưa được bình phục, nhưng tấm lòng của thầy, lúc nào quan tâm đến các học trò, từ 50 năm trước cho đến nay vẫn không thay đổi.

Buổi tiệc Thầy-Trò KN2 – 50 Năm Hội Ngộ, do Cô và Gia đình tổ chức tại tư gia, thật bất ngờ, là một kỷ niệm đặc biệt khó quên trong lòng các học trò già.

Từ giã Thầy Cô ra về mà trong lòng thật áy náy. Đi thăm Thầy đang bệnh, đã không có qùa lễ, mà còn để cho Thầy Cô lo lắng, tiếp đãi thật chu đáo.

Xin cám ơn Thầy- Cô và gia đình thật nhiều.

Nguyễn An Cường lái xe trở về nhà NV Hồng. Đường lạ, quanh co, nhưng anh vẫn bình tĩnh lái. Có lẽ anh lái xe nhiều nên tay lái rất vững. Bên cạnh anh là Nguyễn Văn Cung thỉnh thoảng chỉ đường. Ngồi phía sau anh là chị Cường, bên phải là Vũ Trọng Dụng. Tôi và Quan Công ngồi băng sau cùng, kế bên có những chai, nghe nói “chai oxy để trợ phổi”?!

Ba mươi năm trước, trong trại tỵ nạn và ở Sydney, tôi đã nghe tiếng An Cường hăng say họat động, trong GĐ/KN2, cũng như ngoài Hội Hải Quân Cửu Long, đại diện giúp đỡ nhiều Ngưu đang gặp khó khăn ở VN hay ở các trại tỵ nạn. Anh là một trong những Ngưu lớn tuổi nhất trong khóa, được gọi và tự nhận là Già Cường.

Tôi nghĩ, trong gia đình KN2, nếu Thầy Ích là người Thầy, vị ĐĐT, là người Anh Cả, đáng kính trọng, – thì An Cường, với tuổi tác, tư cách đứng đắn, hy sinh “ăn cơm nhà, vác ngà voi” nhiều nhất, anh xứng đáng là người Anh Thứ, được mọi người trong ngoài KN2 quý mến.

Trong Ngày Hội Ngộ, tuy không có tên trong BTC như: Tống Phước Hải, Đặng Văn Đỉnh, Nguyễn Hữu Lý, Nguyễn Văn Hồng, tôi thấy An Cường là người quán xuyến, kiểm soát tổng quát trên dưới, trong ngoài, cùng với Hoàng Đại Nhân, Hoàng Công Minh… Những Ngưu nầy góp phần không nhỏ trong việc tổ chức thành công lần nầy.

Hoàng Đại Nhân và xứ Huế:

Gặp lại anh trong một thời gian ngắn, không có đủ thời giờ để hỏi thăm hàn huyên chuyện cũ xa xưa. Tôi còn nhớ khi chiến hạm công tác gần Cửa Việt, V1ZH, liên lạc với anh ở ZĐ11, tuy không gặp mặt, nhưng anh cũng cho xe jeep chở đi một vòng thăm xứ Huế. Nhờ vậy tôi mới biết được đường lên chùa Thiên Mụ, biết núi Ngự Bình, thấy được Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp, bắt qua sông Hương nước chảy lững lờ, điểm thêm những tà áo trắng thướt tha của các cô nữ sinh Đồng Khánh, líu lo, e ấp trong tay chiếc nón lá bài thơ, làm cho khung cảnh ở đây thật nên thơ và sinh động. Cám ơn anh đã cho tôi một kỷ niệm khó quên.

Lù Khù có Ông Cù độ mạng:

Người ta nói, “Lù Khù có Ông Cù độ mạng”. Tôi không biết ông Cù là ai?, nhưng chuyến đi nhiều nơi nầy, không phải đi “tour” đã có người hướng dẫn, hoặc đi du lịch để thưởng thức cảnh vật đẹp, mà là đi dò đường tìm bạn, tìm người thân đã lâu năm không gặp, phải vượt qua nhiều nơi, vô ra nhiều phi trường, cho nên phải suy nghĩ và chuẩn bị nhiều.

Ở tận phương xa, nơi Bắc Mỹ, dường như cũng biết được những khó khăn nầy, có hai Ngưu đã “ hê lên”  tận tình giúp đỡ.

Nam Cali có Cụ Tú, tình nguyện đưa đón ra phi trường, vừa tiếp đãi, giúp cho chỗ ở suốt thời gian tại Cali, vừa dẫn đi ăn những món đặc biệt như phở bắc có tô cách nhiệt, phở gà thịt dòn, thơm béo .. v.v…  Anh còn cẩn thận cho tôi chọn một trong ba bộ vest để mặc trong ngày đại hội, cho lịch sự. Thật là hiếu khách, nhiệt tình và rộng rãi.

Tận phía Đông California là Orlando Florida, có KN Trầm Hữu Tạo. Quả xứng đáng với biệt danh “Ngưu Quan Công”, biết tôi là “Hai Lúa”, sợ tôi đi lạc, nên cẩn thận lo lắng mọi điều: Vừa book cho tôi một phòng kế bên chỗ Hotel anh chị ở, trong thời gian tại Los Angeles, để bầu bạn chuyện trò, vừa mướn xe để có phương tiện cùng di chuyển.

Uy tín “Quan Công” của anh không những ở bên ngoài, mà còn trong gia đình. Được hưởng lây uy tín của anh, nên khi ở nhà, được chị tiếp đãi nhiệt tình. Khi đi EPCOT, một trong những khu du lịch ở Disneyland, Florida, anh và tôi được bà chị và cô em ruột dẫn đường, mua vé dẫn vào tận nơi mới về, còn cẩn thận dúi 2 cái áo mưa dã chiến, để ngồi xem pháo bông gần giữa đêm, cho khỏi bị sương ướt. Thật là cảm đông.

Xin cám ơn gia đình Ngưu Quan Công thật nhiếu.

Nhờ đi theo anh, tôi học hỏi được nhiều điều nơi xứ lạ, gặp được nhiều bạn trong những nhóm khác nhau, mà trước đây tôi chưa từng tiếp xúc, chuyện trò, như Đổ Sĩ Thạc, Đặng Hữu Quyết, Nguyễn văn Đồng. Trong ngày Tiền Họp Khóa, tôi còn có dịp gặp lại: Lê Trọng Chúng, Hùynh Ái Tân, Lê Văn Chuộng, Hùynh Công Phương, Phan Văn Phương, Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Thế Hòa, Văn Trung Thu, Lê Đơn…

Khi còn ở Nam Cali, Gia Trưởng Nguyễn văn Hồng đưa tôi và Trần Minh Tuệ đi viếng Tượng Đài Việt-Mỹ, và đến thăm các bạn bè.  Anh chia sẻ: “Sống đến tuổi nầy, chúng ta chỉ còn giữ lại một chút tình, có dịp gặp nhau là qúy lắm rồi”.  Giống như anh Trưởng BTC Tống Phước Hải, trước ở quân trường và sau nầy, chúng tôi đâu có dịp gặp nhau, mà trong buổi tiệc giã từ, anh cũng thân ái trao tặng hai mũ lưỡi trai cho tôi và bà xã, làm quà kỷ niệm. Đó cũng là chút tình của BTC, đặc biệt dành tặng cho người từ phương xa đến. Nhưng có lẽ, cái “mug” có hình HQ10 và “tấm board” trận chiến Hoàng Sa, có tên các tử sĩ, của An Cường và của Ngưu Quan Công tặng, là quà kỷ niệm độc đáo nhất, vì tôi đã từng làm Hạm Phó HQ10.

Cám ơn tấm lòng hiếu khách, tận tình giúp đỡ và quà kỷ niệm của tất cả các bạn.

Tóm lại, các KN2 hiện đã vào tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy”, đang quay quần, an vui cùng với con cháu. – Xin được ghép mười tên trong Khóa 14 Đệ Nhị Kim Ngưu:  Nguyễn Bê, Mai Văn Toàn, Bùi Tiết Quý,Trầm Hữu Tạo, Võ Văn Tỷ, Võ Tấn Phước, Phạm Quang Đạt, Phó Thái An, Trịnh Thanh Bình, Lê Công Mừng, làm thành lời chúc để chúng ta nhớ nhau hoài. Lời chúc như sau:

Nguyễn Bê cầu chúc Toàn thể Qúy KN2 và gia đình, Tạo được hàng Tỷ, hàng Tấn-  Phước cho con cháu, và Đạt được mọi sự An-Bình trong cuộc sống hàng ngày, là rất Mừng.  

Người Miệt Dưới

Nguyễn Bê

unnamed

Leave a comment